Cảm nhận nghề giáo viên mầm non
Cập nhật lúc : 14:21 19/01/2016
Nghề giáo viên nói chung, nghề giáo viên mầm non nói riêng đều có chung công việc đó là “dạy học” hay còn có cách gọi cao quý đó là nghề “trồng người”.
Tuy nhiên công việc của cô giáo mầm non không đơn thuần là “dạy” mà còn phải “nuôi” vì thế công việc của cô giáo mầm non có đặc thù riêng, cô giáo mầm non không chỉ thể hiện ở vai trò người thầy, người cô mà còn thể hiện ở vai trò là người mẹ như lời căn dặn của Bác Hồ: “Làm mẫu giáo tức là thay mẹ dạy trẻ. Muốn làm được thì trước hết phải yêu trẻ. Các cháu nhỏ hay quấy, phải bền bỉ, chịu khó mới nuôi dạy được các cháu. Dạy trẻ cũng như trồng cây non. Trồng cây non được tốt thì sau này cây lên tốt. Dạy trẻ nhỏ tốt thì sau này các cháu thành người tốt. Công tác giáo viên và mẫu giáo có khác nhau, nhưng cùng chung một mục đích đào tạo những công dân tốt, cán bộ tốt cho Tổ quốc, cho chủ nghĩa xã hội. Điều trước tiên là dạy các cháu về đạo đức để các cháu noi theo”. (Hồ Chí Minh về vấn đề Giáo dục, 1990, tr.182 – 183).
Đảng và Nhà nước cũng đã khẳng định bậc học mầm non là bậc học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân. Là nền tảng đầu tiên trong hệ thống giáo dục. Mục tiêu của giáo dục mầm non là chăm sóc nuôi dưỡng giáo dục trẻ 0 – 6 tuổi giúp trẻ phát triển toàn diện về 5 lĩnh vực: thể chất, trí tuệ, ngôn ngữ, tình cảm kĩ năng xã hội, thẩm mĩ. Hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách, v chuẩn bị những tâm thế tốt nhất cho trẻ trước khi bước vào học trường phổ thông; Hình thành và phát triển ở trẻ những chức năng tâm sinh lý, năng lực phẩm chất mang tính nền tảng, những kĩ năng sống cần thiết phù hợp với lứa tuổi, khơi dậy và phát triển tối đa những khả năng tiềm ẩn, đặt nền tảng cho việc học ở các cấp học tiếp theo và cho việc học suốt đời.
Khi nhìn vào mục tiêu giáo dục của bậc học mầm non chúng ta cũng hiểu được công việc của cô giáo mầm non là như thế nào có thể nói là “Đa chức năng” là toàn diện cô giáo mầm non có lúc là cô giáo, có lúc là mẹ hiền nhưng cũng có lúc lại là người bạn của trẻ. Ngoài ra cô còn là “nghệ sĩ”, “bác sĩ” theo đặc thù của cộng việc. Trong cuộc đời con người ai cũng phải qua cái tuổi ấu thơ. Chính giai đoạn tuổi thơ ấu đó để lại cho chúng ta nhiều ấn tượng nhất. Vì vậy những kiến thức, kĩ năng, tình cảm, thái độ ở tuổi mầm non mà trẻ tiếp thu được đóng một vai trò quan trọng nó in sâu trong trẻ suốt cuộc đời. Tư duy đặc trưng của trẻ mầm non là tư duy trực quan hình ảnh và hoạt động chủ đạo của trẻ mầm non là hoạt động vui chơi, trẻ học mà chơi, thông qua chơi mà học. Chương trình giáo dục mầm non chỉ là chương trình khung, nội dung chương chương trình mang tính chất gợi ý, giáo viên dựa vào chương trình đó để thiết kế ra nội dung kiến thức cần dạy trẻ. Như vậy để trẻ tiếp thu lĩnh hội được kiến thức, kĩ năng thì cô giáo mầm non cần làm những gì? Vô số công việc, chúng ta cùng xem kế hoạch hoạt động của cô giáo mầm non trong một ngày ở lớp bán trú.
* 6 giờ 30 – 7 giờ 45: Vệ sinh lớp học, đón trẻ trao đổi với phụ huynh về tình hình của trẻ, trò chuyện với trẻ, gọi tên trẻ, tổ chức thể dục buổi sáng cho trẻ.
* 7 giờ 45 – 8 giờ 30: Tổ chức hoạt động ngời trời cho trẻ nhằm ôn luyện kiến thức kĩ năng và gợi ý những kiến thức kĩ năng mới.
* 8 giờ 30 – 9 giờ 30: Tổ chức hoạt động học nhằm cung cấp kiến thức kĩ năng cơ bản.
* 9 giờ 30 – 10 giờ 30: Tổ chức các hoạt động ở các góc chơi nhằm củng cố kiến thức, kĩ năng thái độ cho trẻ.
* 10 giờ 30 – 11 giờ 30: Tổ chức cho trẻ vệ sinh, ăn trưa.
* 11 giờ 30 – 14 giờ 00: Tổ chức cho trẻ vệ sinh, ngủ trưa.
* 14 giờ 00 – 14 giờ 45: Tổ chức cho trẻ vệ sinh, ăn bữa xế.
* 14 giờ 45 – 16 giờ 00: Tổ chức hoạt động học và chơi ở các góc nhằm củng cố ôn luyện kiến thức cũ và giới thiệu những kiến thức mới.
* 16 giờ -17 giờ 00: Tổ chức cho trẻ chơi tự chọn, trò chuyện với trẻ sau một ngày ở lớp, vệ sinh và trả trẻ về cho gia đình.
Tất thảy mọi hoạt động chăm sóc nuôi dưỡng giáo dục như: ăn, ngủ, vệ sinh, vui chơi, dạy học đều một tay cô giáo lo hết. Chúng ta thử hình dung ở nhà một mẹ chỉ chăm sóc một con chưa có hoạt động dạy học mà đã làm cho người mẹ mệt nhoài, bở cả hơi tai mà chẳng đưa trẻ vào một nề nếp nào cả, còn ở đây 2 cô giáo 35 trẻ mà đâu cũng vào đấy trẻ ngoan ngoãn, có nề nếp, tiếp thu được nhiều kiến thức, kĩ năng đầu đời. Như vậy công việc của cô giáo mầm non có vất vả và phi thường không. Đó là mới nói đến phần “cứng” của công việc còn phần “mềm” thì sao. Một ngày làm việc của cô mầm non bao nhiêu tiếng, 10 tiếng. Chưa nói đến buổi tối về phải soạn bài, làm đồ dùng dạy học cho ngày hôm sau. Vậy còn đâu thời gian để cô chăm lo cho gia đình.
Như đã nói ở trên nếu không được nhìn thấy hình ảnh hoặc trẻ không đựơc trực tiếp hoạt động với đối tượng thì việc tiếp thu kiến thức của trẻ vô cùng khó khăn. Lên một tiết dạy nếu giáo viên không có đồ dùng dạy học thì coi như tiết dạy đó cô không thể thực hiện được mặc dù kĩ năng cô truyền đạt có hay đến đâu. Ví dụ một tiết dạy toán của lớp mẫu giáo nhỡ với đề tài: đếm nhận biết số lượng 5, nhận biết số 5. Với số lượng trẻ 35. vậy chúng ta thử làm phép nhân đơn giản một trẻ có 5 đồ dùng để học nhân với 35 trẻ thì sẽ là mấy. Vậy cô sẽ làm trong thời gian bao lâu mới đựơc từng ấy đồ dùng. Đó chưa kể đến đồ dùng của cô. Hiện nay giáo viên đã ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy để giảm tải việc làm đồ dùng dạy học và đã đem lại hiệu quả cao. Tuy nhiên để thiết kế được một tiết dạy như trên bằng hình ảnh PowerPoint thì cô cũng phải mất cả giờ đồng hồ. Chúng ta thiết nghĩ và nhẩm tính như vậy là bao nhiêu thời gian cô phải làm việc ở nhà.
Công việc của cô giáo mầm non là thế đó nhưng trong xã hội đã mấy ai thực sự hiểu được công việc của cô giáo mầm non chưa? Chính những người trong ngành đôi khi cũng còn có những cái nhìn chưa sâu sắc về công việc của cô giáo mầm non. Tôi còn nhớ có thầy giáo trường trung học cơ sở đã nói rằng: “Cô mầm non dạy ba cái vơ vẩn hát múa mà đi bồi dưỡng công nghệ công nghiếc mà làm gì” khi chúng tôi đi học bồi dưỡng công nghệ thông tin. Không biết những thầy cô đó tầm hiểu biết đến đâu. Nhưng chúng tôi nghĩ rằng ba cái vớ vẩn như thầy nói đấy nhưng chưa chắc thầy đã làm được. Vậy mới nói đến trong xã hội vẫn chưa thực sự quan tâm đến bậc học mầm non. Bên cạnh những ngôi trường đồ sộ khang trang, đầy đủ tiện nghi của các trường tiểu học, trung học cơ sở thì vẫn có trường mầm non phòng học thiếu thốn xuống cấp phải học nhờ học mượn, trang thiết bị thiếu thốn. Bên cạnh đồ dùng dạy học cấp cho các bậc học khác không muốn nhận thì vẫn có giáo viên mầm non bỏ tiền túi ra mua đồ dùng, tài liệu, chương trình phục vụ cho giảng dạy. Bên cạnh giáo viên các bậc học khác dạy buổi thứ hai có chế độ thì giáo viên mầm non đương nhiên ngày làm việc 8 tiếng mà không có một chế độ gì. Đúng là một nghịch lý. Chưa nói đến Bộ Giáo dục sắp ban hành bộ chuẩn cho trẻ 5 tuổi với 29 chuẩn và 125 tiêu chí. Ai đã đọc bộ chuẩn đó chắc cũng có nhiều trăn trở. Còn đối với bản thân tôi thiết nghĩ nếu đưa bộ chuẩn đó vào áp dụng thì công việc của cô giáo mầm non còn phải chịu nhiều áp lực đến như thế nào.
Nhưng tôi tin chăc rằng sẽ có sự thay đổi trong cách nhìn nhận, đánh giá về bậc học mầm non của toàn xã hội, đặc biệt là những người có trách nhiệm. Trước mắt là quyết định 239 của chính phủ về phổ cập trẻ 5 tuổi. Tôi mong các cô giáo mầm non hãy vì tránh nhiệm với nghề mà tận tâm tận lực với công việc và tin tưởng vào một ngày mai tươi sáng.
Cô giáo mầm non không sợ khó, không sợ khổ mà chỉ sợ vị thế của mình chưa được tôn trọng, chưa được quan tâm đúng mức.
Bản quyền thuộc Trường mầm non Hoa Đỗ Quyên
Vui lòng ghi rõ nguồn khi sao chép nội dung từ website http://mn-hdquyen.namdong.thuathienhue.edu.vn/