In trang

Cần có giải pháp tốt hơn về giáo dục mầm non
Cập nhật lúc : 09:09 01/04/2013

Gần đây, dư luận đặc biệt chú ý đến vụ cháu bé Hồ Thị Thúy Ngân (SN 2007) bị bảo mẫu Trần Thị Phụng (xã Thuận Giao, huyện Thuận An) hành hạ qua clip được phát tán rộng rãi trên mạng.

Gần đây, dư luận đặc biệt chú ý đến vụ cháu bé Hồ Thị Thúy Ngân (SN 2007) bị bảo mẫu Trần Thị Phụng (xã Thuận Giao, huyện Thuận An) hành hạ qua clip được phát tán rộng rãi trên mạng.

Cần có giải pháp tốt hơn về giáo dục mầm non

Đặc biệt là cha mẹ của cháu bé này đều làm việc tại Cty giày da Hài Mỹ, có cuộc sống không mấy khá giả. Trước đây, cháu Trương Thúy Vy - 14 tháng tuổi, cũng đã chết tại Trường Mầm non tư thục Tuổi Ngọc (thị trấn Dĩ An, huyện Dĩ An). 2 vụ việc trên đã để lại nỗi lo cho các bậc phụ huynh, đặc biệt là phụ huynh CNLĐ đang gửi con tại những cơ sở mầm non hoạt động chui.

Lực lượng kiểm tra liên ngành đình chỉ hoạt động Trường Mầm non tư thục Tuổi Ngọc (thị trấn Dĩ An, huyện Dĩ An) khi trường này gặp sự cố. Ảnh: HỒ VĨ

Từ 2 vụ này, càng thấy rất rõ sự tắc trách khi trông coi trẻ của nhiều bảo mẫu, giáo viên cũng như sự thiếu trách nhiệm trong quản lý, chấn chỉnh kịp thời của ngành GDĐT và chính quyền địa phương đối với những cơ sở mầm non hoạt động chui. Chỉ tính riêng trên địa bàn 2 huyện Dĩ An, Thuận An, đã có đến hơn 120 cơ sở mầm non hoạt động chui được thống kê. Nếu thống kê toàn tỉnh thì có đến hàng trăm cơ sở mầm non chưa được cấp phép hoạt động. Một con số khác của Bộ GDĐT cho biết, hiện nay cả nước có đến trên 40% số trường mầm non tư thục và trên 50% số nhóm lớp hoạt động không phép.

Câu hỏi đặt ra là tại sao tại khu vực kinh tế trọng điểm phía nam lại có nhiều cơ sở mầm non hoạt động chui như vậy? Trong những năm gần đây, đáp ứng nhanh về sự phát triển kinh tế của các tỉnh, thành khu vực kinh tế trọng điểm phía nam: TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An..., các tỉnh, thành này thu hút khá đông lao động từ các khu vực khác đổ về. Cùng với đó, số lượng con em CNLĐ nhập cư cũng tăng lên không ngừng. Song song với những khó khăn về nhà ở thì vấn đề giáo dục cũng là một áp lực lớn cho địa phương, nhất là giáo dục mầm non.

Theo Sở GDĐT, số lượng các trường mầm non, nhà giữ trẻ tư nhân có tăng theo chủ trương xã hội hóa giáo dục, nhưng vẫn chưa đáp ứng kịp mức độ gia tăng trẻ là con em CNLĐ quanh các KCN trên địa bàn. Từ những yêu cầu bức thiết này, xuất hiện nhiều cơ sở mầm non không đảm bảo chất lượng là điều dễ hiểu.

Qua các lần kiểm tra của các cơ quan chức năng ở hầu hết các tỉnh, thành khu vực phía nam đều phát hiện các cơ sở mầm non không phép, không đảm bảo chất lượng, không đạt chuẩn, cá biệt có những điểm khảo sát nhiều lần cũng vẫn thấy vi phạm, thiếu sót giống như lần trước. Nguyên nhân chính cũng là do cơ quan quản lý xử lý “nhẹ tay” để giải quyết bớt áp lực về nuôi giữ trẻ cho số lượng lớn phụ huynh là CNLĐ đang làm việc tại địa phương.

Một thực tế đáng lo ngại khác là hầu hết CNLĐ có thu nhập thấp đều muốn gửi con mình vào những cơ sở mầm non đạt chuẩn, chính quy. Tuy nhiên, đối với những cơ sở này một mặt là chi phí quá cao, thủ tục xin gửi trẻ rất phiền hà. Do đó, đây là một “thách đố” đối với CNLĐ có thu nhập thấp. Trong khi đó, những cơ sở mầm non thiếu chuẩn nhưng lại có chi phí thấp, dễ dàng xin trẻ vào nên với mức thu nhập thấp, đương nhiên nhiều phụ huynh là CNLĐ chọn giải pháp gửi con vào nhà trẻ này là điều dễ hiểu. Một phụ huynh có con gửi ở Trường Mầm non tư thục Tuổi Ngọc cho biết, mặc dù họ rất lo lắng khi gửi con em vào cơ sở này, tuy nhiên, muốn xin vào một cơ sở chính quy tại khu vực thị trấn Dĩ An thì đòi hỏi nhiều thủ tục nhiêu khê, họ không đáp ứng đủ nên đành chịu!

Thiết nghĩ, trước những vấn đề cấp bách này, ngành GDĐT và chính quyền địa phương cần có những giải pháp tốt hơn cho vấn đề giáo dục mầm non và nhà trẻ tư nhân. Để lĩnh vực này hoạt động ngày càng nền nếp và phát triển đúng mục tiêu, ngành GDĐT và chính quyền địa phương phải có giải pháp quản lý chặt hơn, cương quyết với những hiện tượng vi phạm. Song song đó, ngành GDĐT và chính quyền địa phương cũng cần có phương án tốt hơn để đảm bảo cho mọi trẻ em đều được nuôi giữ, học tập tại những cơ sở giáo dục an toàn, chất lượng. Có như vậy, những phụ huynh là CNLĐ có thu nhập thấp mới yên tâm làm việc và cống hiến.

Hồ Vĩ
Nguồn: laodong